Kiến thức y khoa

Cơn tăng huyết áp

Ngày Đăng : 30/10/2017 - 4:30 PM

Tăng huyết áp (THA) là một bệnh mạn tính, gây tổn thương lên các tạng khác nhau như tim, mạch máu, thận… và thường kéo dài trong nhiều năm. Tuy nhiên, huyết áp có thể có lúc tăng một cách nhanh chóng và đủ nghiêm trọng để được xem là cơn tăng huyết áp (cơn THA). Để giảm các tỷ lệ biến chứng và tử vong, cần nhanh chóng đánh giá chức năng các tạng có liên quan và tình trạng gia tăng huyết áp để xác định phương thức điều trị phù hợp nhất.

Khái niệm về các loại tăng huyết áp

Các cơn THA bao gồm hai loại: THA cấp cứu còn được một số tác giả gọi là THA nghiêm trọng không có triệu chứng (chiếm khoảng 76%) và THA khẩn cấp (chiếm khoảng 24%). THA cấp cứu và THA khẩn cấp đều có huyết áp cao > 180 mm Hg tâm thu và > 120-130 mm Hg tâm trương, tuy nhiên huyết áp cũng có thể thấp hơn ở phụ nữ có thai hay ở trẻ em. THA cấp cứu (1) được định nghĩa là THA nghiêm trọng nhưng không có tổn thương các tạng đích, cũng không có bằng chứng nào cho thấy việc làm giảm nhanh chóng huyết áp cho các trường hợp này là có ích, hơn nữa một điều trị tấn công như vậy còn có thể gây hại cho người bệnh vì làm giảm tưới máu của tim, thận, hoặc não; trong các trường hợp này, huyết áp phải được làm giàm từ từ trong vòng 24-48 giờ với các thuốc giảm huyết áp dùng đường uống. THA khẩn cấp (2) là tình trạng huyết áp tăng dẫn đến các đe dọa hay các rối loạn tiến triển cấp tính của các tạng đích và cần được điều trị ngay tức khắc đề hạ thấp huyết áp trong vòng mấy phút đến vài giờ đầu tiên bằng các thuốc giảm huyết áp đường tĩnh mạch. Đa số xảy ra ở những người trước đó đã được chẩn đoán và điều trị THA, nhưng cũng có thể gặp ở những người huyết áp trước đó bình thường, đặc biệt là ở các bênh nhân tiền sản giật hay viêm cầu thận cấp. Trong các THA khẩn cấp, người ta còn phân biệt thêm hai loại: THA hiểm ác và THA tiến triển, cả hai đều có chung các hậu quả và có cùng cách điều trị như nhau. THA tiến triển được định nghĩa là các trường hợp THA cấp tính, vừa mới xảy ra, dẫn đến tổn thương các tạng đích, thường hay gặp là tổn thương của mạch máu nhìn thấy qua nội soi dạ dày (thấy các đám xuất huyết hình ngọn lửa hoặc các đám mỏng dịch tiết), và không có phù gai thị. THA hiểm ác được định nghĩa là một THA cấp tính với các tổn thương đa tạng: phải có phù gai thị hoặc có các tổn thương của ít nhất là ba tạng đích khác nhau. THA hiểm ác gần như luôn luôn đi kèm với các tổn thương của võng mạc: phù, xuất huyết hình ngọn lửa, tiết dịch. Các đặc điểm lâm sàng khác: bệnh lý não tăng huyết áp, lẫn lộn, suy thất trái, đông máu trong lòng mạch, và rối loạn chức năng thận, với đái máu và sụt cân. Đặc điểm giải phẫu bệnh là hoại tử dạng tơ huyết của các động mạch nhỏ của thận. Nguyên nhân của THA hiểm ác: các rối loạn dạng collagen mạch máu của thận, nhiễm độc thai nghén, suy thận, THA do thận gây ra bởi trít hẹp động mạch thận. Các biến chứng là rất thảm khốc nếu không điều trị, và có > 90% người bệnh sẽ không sống quá 1-2 năm. Tỷ lệ tử vong hàng năm của các người bệnh THA hiểm ác là 2,6%, so với của những người HA bình thường và những người THA đối chứng lần lượt là 0,2% và 0,5%.

 

Đánh giá lâm sàng cơn tăng huyết áp

Định nghĩa

Cơn Tăng Huyết Áp là tình trạng huyết áp tăng đột ngột với huyết áp tâm thu > 180 mm Hg và/hoặc huyết áp tâm trương > 120 –130 mm Hg. Khi huyết áp không kiểm soát được, có thể dẫn tới tổn thương của các tạng đích. Các tổn thương này gặp trong hầu hết các loại THA (chỉ không gặp trong THA cấp cứu), bao gồm các thay đổi của hệ thần kinh (bệnh lý não tăng huyết áp, đột quỵ, nhồi máu não, xuất huyết não…), của hệ tim-mạch (cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, rối loạn chức năng thất trái cấp, phù phổi cấp, bóc tách động mạch chủ…), của thận (suy thận cấp, sản giật) và của nhiều các tạng khác (hay gặp phù gai thị, xuất huyết võng mạc mắt...).

Triệu chứng

Đa số người cao huyết áp không có các dấu hiệu và triệu chứng, ngay cả khi huyết áp lên tới các mức độ cao nguy hiểm.

Môt số ít người huyết áp cao có thể bị nhức đầu, khó thở hay chảy máu mũi, nhưng các dấu hiệu và triệu chứng này là không đặc hiệu và thường không gặp cho đến khi huyết áp cao trở nên nghiêm trọng hay đe dọa đến tính mạng.

Cơn THA thường thấy ở những người bệnh THA đã được chẩn đoán trước đó nhưng không tuân thủ tốt chế độ điều trị, và cũng có thể xuất hiện lần đầu tiên ở những người bệnh khác mà trước đó không được biết là bị THA.

Những người bệnh có cơn THA nên được phân loại sớm. Bệnh sử và thăm khám nên tập trung vào các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến tổn thương các tạng đích, tiền sử THA, tiền sử dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, kể cả các thuốc tự mua không cần toa và sử dụng ma túy, việc ngừng thuốc đột ngột cũng có thể thúc đẩy các cơn THA.

Nguyên nhân

Có 2 loại cao huyết áp:

THA nguyên phát (vô căn) Cho đa số người lớn, không thể nhận biết căn nguyên của cao huyết áp. Loại cao huyết áp này được gọi là THA nguyên phát (hay vô căn), có khuynh hướng phát triển dần qua nhiều năm.

THA thứ phát Một số người cao huyết áp gây ra bởi một bệnh cơ bản nào đó. Loại cao huyết áp này gọi là THA thứ phát, có khuynh hướng xuất hiện đột ngột và gây ra huyết áp cao hơn so với THA nguyên phát. Các bệnh và các thuốc khác nhau có thể đưa đến THA thứ phát như: ngừng thở tắc nghẽn khi ngủ, các bệnh của thận, u tuyến thượng thận, các bệnh của tuyến giáp, một số bệnh mạch máu bẩm sinh, tâm trạng căng thẳng (stress), một số thuốc (như các viên tránh thai, thuốc cảm, thuốc thông mũi, các thuốc không hợp pháp như cocaine và amphetamines…), lạm dụng rượu hay uống rượu kinh niên.

 

Các yếu tố nguy cơ

Bao gồm: tuổi trên 45 ở nam giới và trên 65 ở nữ giới, chủng tộc (gặp nhiều hơn và biến chứng cũng nghiêm trọng hơn ở người da đen), lịch sử gia đình (cao huyết áp có thể có tính gia đình), quá cân hay béo phì, ít hoạt động thể lực, hút hay nhai thuốc lá làm tăng nguy cơ THA nhất thời (các hóa chất trong thuốc lá làm tổn thương lớp nội mạc động mạch, gây hẹp động mạch và tăng huyết áp), chế độ ăn quá nhiều muối (sodium giữ nước trong cơ thể và làm tăng huyết áp) hoặc quá ít potassium (không giữ được thăng bằng lượng sodium trong các tế bào), bệnh thận, đái tháo đường, ngừng thở khi ngủ, mang thai, uống quá nhiều rượu (gây tổn thương cho tim và cao huyết áp)… Các xét nghiệm và chẩn đoán Các xét nghiệm thường qui: XN nước tiểu, các XN máu, XN cholesterol và ghi điện tim. Có thể làm thêm siêu âm tim để kiểm tra thêm các dấu hiệu của bệnh tim. Các trường hợp nặng hay đe dọa, phải làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu.

Các số đo huyết áp được chia làm 4 hạng sau đây:

Huyết áp bình thường (không cao). Khi thấp dưới 120/80 mm Hg

Tiền cao huyết áp. Khi huyết áp tâm thu 120 – 139 mm Hg hay huyết áp tâm trương 80 – 89 mmHg, Hạng này sẽ xấu dần theo thời gian.

THA giai đoạn 1. Huyết áp tâm thu 140 – 159 mm Hg hay huyết áp tâm trương 90 – 99 mm Hg.

THA giai đoạn 2. Huyết áp tâm thu ≥ 160 mm Hg hay huyết áp tâm thu ≥ 100 mm Hg.

 

Điều trị cơn tăng huyết áp

Trong THA cấp cứu, chưa đến mức đe dọa tính mạng người bệnh, huyết áp được làm giảm từ từ trong vòng 24-48 giờ với các thuốc hạ huyết áp dùng đường uống. Trong THA khẩn cấp, việc điều trị phải tích cực, dùng ngay các thuốc hạ huyết áp đường tĩnh mạch. Bác sĩ cần thăm khám và cho làm các xét nghiệm thường qui, nhiều khi phải làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu hơn như soi đáy mắt, chụp CT sọ não… để có thể đánh giá mức độ thương tổn của các tạng và từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho từng trường hợp THA cấp tính. Bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi để biết tiền sử bệnh cũng như các loại thuốc mà bạn đang sử dụng. Đây là những bước rất quan trọng vì chẩn đoán chính xác là tiền đề giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp cho bạn. Nếu không được can thiệp y tế kịp thời, các trường hợp khẩn cấp có thể bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim hay rối loạn nghiêm trọng chức năng các tạng khác trong cơ thể mà không thể lường trước các hậu quả.

Nói tóm lại, để phòng ngừa cơn THA và các biến chứng của nó, bạn cần tuân thủ nghiêm chỉnh chế độ điều trị của bác sĩ, uống thuốc đúng liều, đúng cữ, không dùng thuốc không rõ loại. Trong quá trình điều trị, nếu bạn có huyết áp tâm thu ≥ 180 mm Hg, hay huyết áp tâm trương ≥ 120 mm Hg hoặc xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ của các tạng đích như đau ngực, khó thở, mắt mờ, nôn ói, yếu liệt chi… bạn không được tự điều trị tại nhà mà cần lập tức đến ngay bác sĩ hoặc cơ sở y tế. Bác sĩ cấp cứu cần đánh giá người bệnh THA một cách thích hợp, phân loại chính xác THA, xác định thời điểm của các can thiệp điều trị, và sắp xếp bố trí các quyết định.

Với các thuốc hạ huyết áp ngày một phong phú, tỷ lệ các trường hợp khẩn cấp trên tổng số người bệnh cao huyết áp đã giảm mạnh, thí dụ như ở Hoa Kỳ, tỷ lệ này trước đây là 7% thì nay đã giảm xuống còn chỉ khoảng 1%.

Cùng với điều trị thuốc, thay đổi nếp sống cũng rất quan trọng: chế độ ăn ít muối, tập thể dục đều đặn, bỏ hút thuốc, hạn chế rượu, giữ cân nặng khỏe mạnh hoặc giảm cân khi thừa cân hay béo phì.

Nếu huyết áp vẫn cao mặc dầu bạn đã dùng tới ít nhất ba loại thuốc, một trong số đó thường là thuốc lợi tiểu, như vậy là bạn bị cao huyết áp đề kháng. Khi đó phải xem xét đến một nguyên nhân thứ yếu của cao huyết áp. Ngoài ra phải xem lại các thuốc và liều sử dụng đã phù hợp hay chưa, phải thận trọng tỉ mỉ trong điều chỉnh thuốc. Các thực phẩm, thuốc thảo mộc và tập thể dục đều đặn cũng có thể có ích: họ mã đề, cám lúa mì, các chất khoáng như magnesium, calcium và potassium, acid folic, acid béo omega-3 trong dầu cá hay hạt lanh, vitamin D…



Các tin khác

Hotline hỗ trợ
0251.3877.236 (Hotline)
Gọi điện
SMS
Chỉ đường